Trẻ bị tự kỷ không chỉ cần sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời từ giáo viên trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt mà còn cần phụ huynh quan tâm sát sao khi ở nhà, giúp trẻ nhanh chóng bắt nhịp với bạn bè đồng trang lứa. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Happy Ant tìm hiểu về những cách thức đơn giản để có thể kết nối với trẻ, vừa góp phần mang đến sự thay đổi tích cực cho trẻ, vừa là cơ hội để phụ huynh gần gũi, thân thiết với trẻ.
Xác định giai đoạn chơi của trẻ
Đối với trẻ bị tự kỷ, trẻ chỉ học được với người mà trẻ yêu thích, tại nơi trẻ thân quen, với những món đồ chơi, vật dụng trẻ thích nhất. Vì vậy, gia đình chính là một trong những môi trường tốt nhất để can thiệp cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ không còn cô lập, khép mình, tự tin bước vào môi trường học đường. Để có thể kết nối với trẻ bị tự kỷ, phụ huynh cần xác định giai đoạn chơi của trẻ cũng như chiến lược cụ thể để trẻ phát triển các kỹ năng. Dưới đây là các mốc xác định giai đoạn chơi của trẻ mà phụ huynh có thể tham khảo.
Chơi nhận thức
Ở giai đoạn chơi nhận thức, trẻ sẽ được “kích hoạt” các kỹ năng chơi cơ bản, có sự tương tác sơ đẳng giữa bản thân và mọi người xung quanh.
Chơi khám phá
Chơi khám phá là cách trẻ khám phá các loại đồ chơi bằng cách vận dụng giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác,… Trẻ bắt đầu xuất hiện chơi khám phá từ khi chào đời cho đến 24 tháng tuổi. Hình thức này chiếm đến 90% trong các hoạt động chơi của trẻ ở giai đoạn 0 – 9 tháng tuổi, nhưng lại chỉ chiếm 20% ở giai đoạn từ 18 – 24 tháng tuổi.
Chơi chức năng
Chơi chức năng xuất hiện khi trẻ từ 9 – 12 tháng tuổi với tỷ lệ cao nhất ở giai đoạn 18 – 24 tháng tuổi. Từ 24- 36 tuổi, chơi chức năng chỉ chiếm 50% trong hoạt động chơi của trẻ. Chơi chức năng bao gồm chơi vận động thể chất và chơi đúng với mục đích của đồ chơi. Trẻ thường chơi các trò vận động thể chất có người như chạy đuổi bắt, xích đu hoặc các trò vận động thể chất với đồ chơi như đi cầu thăng bằng, đạp xe, leo trèo. Bên cạnh đó, trẻ bắt đầu chơi với đúng mục đích của đồ chơi (bóng để đá, ly để uống nước,…).
Chơi giả vờ
Chơi giả vờ được chia thành 2 dạng: Giả vờ sớm và giả vờ muộn. Giả vờ sớm là cách trẻ mô phỏng lại các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của trẻ thông qua vật thật hoặc mô hình giống vật thật. Chuỗi hành động này thường xuất hiện ở giai đoạn 15 – 18 tháng tuổi. Giả vờ muộn bắt đầu khi trẻ 18 tháng tuổi trở đi, được biểu hiện khi trẻ chơi theo chuỗi bằng cách thay thế đồ vật khi chơi. Trẻ có thể chơi với các vật thật hình dạng tương tự, các mô hình thu nhỏ mô phỏng trái cây, đồ nấu ăn hoặc đồ vật trẻ tự tưởng tượng.
Chơi đóng vai
Từ 2 tuổi, trẻ bắt đầu xuất hiện các hoạt động tự đóng vai các nhân vật quen thuộc và chơi một mình, tự nói và điều chỉnh các hành vi diễn. Cách chơi đóng vai xã hội với người khác chiếm ưu thế khi trẻ 4 – 5 tuổi, hình thành tính hợp tác giữa các trẻ em cùng chơi với nhau, nhập vai nhân vật theo chủ đề và theo một nhóm nhiều người.
Chơi xây dựng
Hành vi chơi xây dựng xuất hiện khi trẻ 18 tháng tuổi và chiếm tới 50% các hoạt động chơi khi trẻ được 4 – 6 tuổi. Cách chơi của trẻ thường là lắp ráp mô hình, đắp cát, vẽ nhiều hình thù khác nhau hoặc nặn tạo hình.
Từ 4 – 6 tuổi, trẻ có xu hướng chơi các trò lắp ráp mô hình để tạo nên các hình thù khác nhau
Chơi quy luật
Chơi quy luật thường xuất hiện ở giai đoạn trẻ 4 – 5 tuổi. Đây là sự biến dạng của trò chơi đóng vai theo chủ đề. Tuy nhiên, đối với chơi quy luật thì luật chơi luôn là yếu tố cốt lõi, có tính chất quan trọng hàng đầu, vai chơi chỉ là thứ yếu, thậm chí có thể mất hẳn trong nhiều trò chơi.
Chơi xã hội
Bên cạnh chơi nhận thức, chơi xã hội cũng là một trong những khả năng của trẻ phát triển trong khoảng từ 0 – 6 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của kỹ năng chơi, khi trẻ có thể tự chơi cùng với những người khác.
Đối với trẻ bị tự kỷ, việc chơi với mọi người là một khó khăn mang tính đặc thù. Chính vì vậy, phụ huynh cần xác định được trẻ đang ở giai đoạn chơi xã hội nào, qua đó có sự khuyến khích, hướng dẫn, tạo cơ hội để giúp đỡ trẻ phát triển toàn diện. Có 5 giai đoạn chính phụ huynh cần lưu ý:
- Chơi một mình: Kéo dài từ lúc trẻ sơ sinh đến 18 tháng tuổi. Trẻ không muốn lại gần người khác, chỉ thích chơi một mình
- Nhìn người khác chơi: Mặc dù không chơi chung nhưng trẻ dần quan tâm tới các hoạt động mà trẻ khác đang làm từ 18 – 24 tháng tuổi
- Chơi song song: Trong giai đoạn từ 24 – 36 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chơi bên cạnh trẻ khác cùng các món đồ chơi xung quanh
- Chơi chia sẻ: Khi trẻ được 3 – 4 tuổi, trẻ tương tác cùng các trẻ khác, nhận và chia sẻ đồ chơi với bạn bè
- Chơi tập thể: Trẻ chơi các trò chơi theo luật và yêu cầu có tính hợp tác cao, cùng thực hiện một mục đích hoặc nhiệm vụ cụ thể
Cách kết nối với trẻ bị tự kỷ ngay tại nhà
Việc kết nối với trẻ bị tự kỷ là điều không hề dễ dàng và cần phải có sự kiên trì, thấu hiểu và yêu thương. Để có thể trở thành “người thầy”, người bạn của trẻ, phụ huynh cần lên các phương án, chiến thuật can thiệp tại nhà hiệu quả.
Tìm động lực trong khi chơi đùa
Phụ huynh hãy tìm hiểu kỹ về những hoạt động mà trẻ bị tự kỷ yêu thích và có thể duy trì sự tập trung, chú ý. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không thể bỏ qua những hoạt động làm trẻ mệt mỏi và quá tải. Hiểu được nhu cầu cảm giác, sự khác biệt cũng như sở thích của trẻ bị tự kỷ, các bậc phụ huynh sẽ bắt đầu tìm được động lực của trẻ.
Trẻ tự kỷ thường chỉ thích chơi một mình và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và sự tập trung
Các chiến lược chơi với trẻ tự kỷ
Trẻ bị tự kỷ gặp các khiếm khuyết, rối loạn trong kỹ năng xã hội và giao tiếp. Chính vì vậy, phụ huynh cần có “chiến thuật” cụ thể để tiếp xúc và can thiệp cho trẻ sớm nhất. Dưới đây là một số gợi ý về cách chơi với trẻ phụ huynh có thể tham khảo:
- Tất cả trừ một: Trong quá trình chơi với trẻ bị tự kỷ, phụ huynh nên áp dụng cách chơi đưa cho trẻ một vài phần của đồ chơi và giữ lại một hoặc một số bộ phận. Điều này giúp “kích hoạt” sự giao tiếp và bộc lộ cảm xúc của trẻ, khi trẻ sẽ có xu hướng đòi các bộ phận còn thiếu hoặc yêu cầu phụ huynh chơi để trẻ quan sát
- Từng chút từng chút một: Phụ huynh có thể tạo cơ hội để trẻ chú ý và tương tác với mình bằng các hành động như không đưa tất cả các món đồ chơi mà trẻ thích đến cho trẻ mà sẽ đưa dần dần để trẻ chọn lựa, yêu cầu thêm
- Đưa ra những vật trẻ không muốn: Phương pháp này kích thích trẻ nói từ chối hoặc ra hiệu “không” một cách chính xác
- Làm những điều khác lạ, bất ngờ: Phụ huynh có thể sử dụng những cử chỉ, thao tác mới lạ để tạo điều kiện cho trẻ bắt chước hành động đó
- Giấu đi một vật: Trẻ bị tự kỷ thường chỉ thích chơi một mình với các món đồ chơi mà trẻ cực kỳ yêu thích. Phụ huynh có thể giấu đồ chơi để trẻ yêu cầu sự trợ giúp từ những người xung quanh
- Giữ yên lặng: Thay vì hỏi ý trẻ muốn chơi gì trước khi soạn đồ chơi, phụ huynh chỉ cần cần thùng đồ chơi có nắp đậy kín và im lặng không nói gì, để trẻ bày tỏ mong muốn của mình
- Sự sáng tạo bất ngờ: Phụ huynh đôi khi hãy giả vờ mình không biết chơi đồ chơi đó hoặc chơi sai, khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn với cha mẹ để truyền đạt những gì trẻ muốn phụ huynh thực hiện
- Đưa một vật khác: Trẻ bị tự kỷ chỉ thích chơi một loại đồ chơi nào đó. Chính vì vậy, phụ huynh có thể đưa ra một số bộ đồ chơi khác
- Tận dụng cơ hội khi có việc xấu xảy ra: Nếu trẻ làm hỏng đồ chơi, phụ huynh hãy hỏi trẻ rằng có muốn sửa đồ chơi lại hay không
- Chọn lựa: Phụ huynh đưa ra các món đồ chơi khác nhau để trẻ lựa chọn, khuyến khích trẻ chỉ tay hoặc với tới đồ chơi trẻ muốn
- Phát triển kỹ năng chơi xã hội: Tùy thuộc vào các giai đoạn chơi của trẻ, phụ huynh có thể cùng trẻ chơi các trò chơi phù hợp, giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết
Mặc dù can thiệp sớm cho trẻ bị tự kỷ là hoàn toàn có thể thực hiện được tại nhà, nhưng phụ huynh cũng cần đến sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên viên, giáo viên Giáo dục đặc biệt giàu kinh nghiệm để mang đến hiệu quả cao nhất, sớm giúp trẻ quay trở lại nhịp độ phát triển bình thường. Tự hào là đơn vị tiên phong xây dựng và phát triển mô hình tháp 3 tầng can thiệp I.G.P, Happy Ant sẽ mang đến cho trẻ những phương pháp can thiệp sớm tốt cho trẻ, đồng hành cùng phụ huynh mang đến cho trẻ tự kỷ một tương lai tươi sáng, hạnh phúc.
Bên cạnh việc can thiệp tại nhà, phụ huynh nên đưa trẻ tới thăm khám và tiến hành can thiệp sớm tại Happy Ant để đạt hiệu quả cao
Kết luận
Trên đây là các mốc xác định giai đoạn chơi cũng như cách kết nối với trẻ bị tự kỷ mà phụ huynh không thể bỏ qua khi muốn can thiệp cho trẻ tại nhà. Đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt, sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương từ các bậc phụ huynh chính là yếu tố cốt lõi để trẻ không còn cô lập, khép mình, sớm hòa nhập, kết nối với mọi người xung quanh. Vì vậy, hãy dành thời gian bên trẻ và cho trẻ đi can thiệp sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” đầu đời quý giá.