Chậm phát triển ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của trẻ, dẫn đến cản trở học tập, giao tiếp nếu không được can thiệp sớm.
Tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, trở thành rào cản lớn đối với quá trình phát triển khỏe mạnh, bình thường của trẻ và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai sau này. Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh lại thường bỏ qua hoặc không phát hiện từ sớm, khiến tình trạng ngày càng nặng hơn, cản trở trẻ học tập, giao tiếp với môi trường xung quanh. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Happy Ant tìm hiểu về các cách xác định chứng chậm nói ở trẻ nhé!
Khái niệm chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ (chậm ngôn) là trẻ có các kỹ năng ngôn ngữ không tương xứng với lứa tuổi. Trẻ bộc lộ sự chậm trễ khi lĩnh hội các kiến thức hay chủ đề về hình thức ngôn ngữ, nội dung ngôn ngữ hoặc sử dụng ngôn ngữ. Bên cạnh đó, trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ còn gặp khó khăn, hạn chế khi hiểu ngôn ngữ và diễn đạt ngôn ngữ.
Xu hướng ngày càng gia tăng của chứng chậm nói ở trẻ
Thực tế, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ được thể hiện dưới nhiều mức độ khác nhau. Một số trẻ chỉ bị ở mức nhẹ, mặc dù gặp một vài lỗi liên quan đến từ và câu nhưng người nghe vẫn có thể nắm được thông điệp trẻ muốn truyền tải. Cũng có nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ nặng, không thể diễn đạt những ý muốn cũng như nhu cầu cơ bản của mình cho mọi người xung quanh.
Tại sao trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ?
Các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Giáo dục đặc biệt đã chỉ ra 3 nguyên nhân trẻ chậm nói phổ biến, bao gồm:
- Nguyên nhân thực thể: Chứng chậm phát triển ngôn ngữ có thể xuất phát từ những vấn đề của các bộ phận đảm nhiệm việc phát âm như tai, mũi, họng,… Ngoài ra, đó có thể là sự khiếm khuyết, dị tật ở não bộ – cơ quan giữ vai trò chỉ huy ngôn ngữ của cơ thể
- Nguyên nhân tâm lý: Những cú sốc tâm lý, sự nuông chiều quá mức hoặc lạnh nhạt, bỏ bê của phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân trẻ chậm nói
- Không rõ nguyên nhân: Một số trường hợp trẻ không khuyết tật trí tuệ, không khiếm thính, cũng không mắc rối loạn phổ tự kỷ nhưng lại có lịch sử chậm nói rõ rệt. Sau 3 tuổi, trẻ có thể “tự hết”, nhưng cũng có thể phát triển nặng hơn, trở thành “rối loạn phát triển ngôn ngữ”
Xu hướng ngày càng gia tăng của chứng chậm nói ở trẻ
Dù bắt nguồn từ lý do nguyên phát hay thứ phát, trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ đều cần can thiệp kịp thời để đảm bảo không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” đầu đời, tránh những hậu quả xấu sau này đối với tương lai của trẻ.
Các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Thông thường, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ từ 18 tháng – 3 tuổi sẽ có nguy cơ không thể quay lại nhịp độ phát triển bình thường như bạn bè đồng trang lứa. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu, phụ huynh hãy cho trẻ đi thăm khám, sàng lọc từ sớm.
Chậm ngôn ảnh hưởng xấu tới sự hòa nhập, phát triển của trẻ trong môi trường xã hội
5 dấu hiệu điển hình
Dưới đây là 5 dấu hiệu điển hình cho thấy trẻ mắc chứng chậm phát triển ngôn ngữ mà phụ huynh thường rất dễ bỏ qua, khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng hơn:
- Hạn chế về vốn từ
- Mắc nhiều lỗi về câu
- Khó nhớ các từ đã học
- Chỉ nói được các câu ngắn với cấu trúc đơn giản hơn nhiều so với bạn bè
- Hạn chế về việc thông hiểu từ vựng, câu cú, ví dụ như các loại từ về không gian (trên – dưới, trái – phải,…)
Khó khăn khi tiếp nhận ngôn ngữ
Ngoài 5 dấu hiệu điển hình trên, trẻ chậm nói còn bộc lộ những hạn chế về kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ:
- Gặp khó khăn hoặc hoàn toàn không hiểu khi người khác ra hiệu
- Khó khăn hoặc không theo được chỉ dẫn của người khác
- Gặp khó khăn hoặc không trả lời được các câu hỏi
- Không xác định được đối tượng, hình ảnh mà người khác đang đề cập tới
Hạn chế trong quá trình diễn đạt ngôn ngữ
Phụ huynh cũng có thể nhận biết trẻ mắc chứng chậm phát triển giao tiếp bằng những dấu hiệu rõ ràng như sau:
- Trẻ không biết đưa ra câu hỏi
- Gặp khó khăn khi gọi tên các sự vật, hiện tượng
- Khả năng sử dụng cử chỉ, điệu bộ để giao tiếp kém
- Không biết ghép các từ để tạo thành một câu hoàn chỉnh
- Không biết sử dụng đại từ nhân xưng
Các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ
Để xác định một cách chính xác trẻ có chậm phát triển ngôn ngữ hay không, phụ huynh cần phải đưa trẻ tới thăm khám, sàng lọc và đánh giá từ Chuyên viên Âm ngữ trị liệu, hoặc các Chuyên viên Tâm lý, bác sĩ. Tuy nhiên, nhằm phát hiện kịp thời và theo dõi sát sao sự phát triển của trẻ, phụ huynh có thể dựa vào 5 mốc cụ thể:
Giai đoạn 8 – 12 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ có thể hiểu từ 3 – 50 từ, phát âm bập bẹ và có thể dùng cử chỉ, điệu bộ và phát ra âm thanh để thể hiện mong muốn. Trẻ thường bộc lộ các hành động giao tiếp với tần suất 2,5 lần/phút khi chơi tự do. Đến tháng thứ 12, trẻ bắt đầu nói những từ đầu tiên để chỉ người hoặc các đồ vật thân quen.
Giai đoạn 12 – 18 tháng: Từ 18 tháng, trẻ đã có khả năng diễn đạt được 50 – 100 từ vựng, hiểu và thể hiện mong muốn của bản thân bằng những từ ngữ đơn giản, đồng thời bắt đầu nắm được ý nghĩa của các từ mới vượt ra ngoài những trò chơi quen thuộc.
Giai đoạn 18 – 24 tháng: Trẻ có vốn từ diễn đạt khoảng 200 – 300 ở 24 tháng tuổi, phát âm đúng 70% phụ âm và có thể nói câu 2 từ. Lời của trẻ 50% có thể hiểu được, chứa các từ diễn đạt những mối quan hệ phổ biến. Đặc biệt, trẻ có thể kể về sự vật, sự việc bằng cách gọi tên – mô tả.
Giai đoạn 24 – 30 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ có khả năng hiểu và sử dụng các câu hỏi về đối tượng, con người cũng như các sự kiện chính.
Giai đoạn 30 – 36 tháng tuổi: Lời nói của trẻ ở mốc 36 tháng khá dễ hiểu, trẻ dần biết nhớ và nhắc lại các đoạn đồng dao có vần điệu, hiểu và sử dụng tốt câu hỏi tại sao và các từ chỉ vị trí không gian. Ngoài ra, trẻ còn có thể kể chuyện theo chủ đề, mặc dù chưa nhớ được hoàn toàn cốt truyện.
Nắm rõ được các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ, phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện ra vấn đề của trẻ
Dựa vào 5 mốc trên, phụ huynh có thể dễ dàng hơn trong việc nhận biết trẻ mắc chứng chậm phát triển ngôn ngữ, từ đó có phương pháp can thiệp sớm tốt cho trẻ.
Kết luận
Trên đây là những dấu hiệu cũng như cách xác định trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ mà phụ huynh cần phải chú ý, đặc biệt là trong “giai đoạn vàng” từ 0 – 6 tuổi. Đây là thời gian vô cùng quan trọng để trẻ khắc phục những rối loạn, khó khăn về giao tiếp, sớm trở lại nhịp độ phát triển bình thường. Phụ huynh hãy liên hệ ngay với Happy Ant – Trường Can Thiệp Sớm uy tín hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh để được tư vấn chi tiết ngay khi phát hiện bất thường, giúp trẻ có một tuổi thơ bình thường, hạnh phúc.